Luật từ thiện


Credit: acnc.gov.au

Ls Nguyễn Văn Thân

Trong tháng sáu năm 2014, Tòa Kháng Cáo Liên Bang đã ban hành một phán quyết quan trọng liên quan tới luật từ thiện và xác định ý nghĩa của một tổ chức từ thiện là như thế nào. Nguyên đơn kháng cáo là Sở Thuế. Bị đơn là một tổ chức phi vụ lợi có tên là The Hunger Project Australia Limited. Cũng nên nói rõ là đại đa số các vụ kiện liên quan tới luật từ thiện đều dính líu tới Sở Thuế vì nếu một tổ chức được công nhận là có tính cách từ thiện trên mặt pháp lý thì được hưởng quyền miễn đóng nhiều loại thuế liên bang cũng như tiểu bang như thuế lợi tức, GST, Fringe Benefit Tax, Pay-roll Tax...Nếu vậy thì số tiền thuế thu được sẽ bị giảm đi. Chẳng những thế, họ cũng có thể xin diện DRG (Deductible Gift Recipient). Có nghĩa những người tặng tiền cho tổ chức đó có thuế khấu trừ phần tiền tặng từ lợi tức của họ khi khai thuế.

Vụ kiện đầu tiên liên quan tới từ thiện diễn ra vào năm 1931. Trong vụ Perpetual Trustee Co v FC [1931], Royal Navy House là một tổ chức được thành lập để cung cấp chỗ ở với giá rẻ cho các nhân viên hải quân Hoàng Gia Úc. Câu hỏi được đặt ra là tổ chức này có được hưởng quy chế từ thiện hay không? Theo thông lệ thì có 5 hình thức từ thiện chính: cứu đói giảm nghèo, giúp đỡ người bệnh tật hoặc già yếu, yểm trợ giáo dục, yểm trợ tôn giáo và những mục đích khác có lợi cho công chúng. Tối Cao Pháp Viện Úc phán rằng bị đơn không phải là tổ chức từ thiện vì họ không phục vụ cho những người nghèo khổ hoặc vô gia cư.

Vụ kiện kế tiếp là Australian Council of Social Service Inc v Commissioner of Pay-roll Tax [1985]. Nguyên đơn (ACOSS) là một tổ chức đại diện cho các tổ chức cung cấp các dịch vụ xã hội giúp đỡ người nghèo và thành phần bị thiệt thòi (the disadvantaged) trong xã hội. Tòa Kháng Cáo Thượng Thẩm NSW phán rằng ACOSS không phải là một tổ chức từ thiện vì họ không trực tiếp cung cấp dịch vụ giúp đỡ người nghèo mà chỉ đóng vai trò tư vấn, cung cấp thông tin và cổ xúy cho các chính sách quốc gia tài trợ cho các dịch vụ xã hội và hỗ trợ thành phần yếu thế. Một trong những lập luận được đưa ra là công tác cổ xúy hầu ảnh hưởng đến chính sách quốc gia không thể nào mang tính cách từ thiện vì tòa không thể nào kiểm chứng được chính sách nào có hoặc không có lợi cho người nghèo trong xã hội.

Một vụ khác là Commissioner of Taxation (Cth) v Re Royal Society for Prevention of Cruelty to Animals (RSPCA) [1993]. Bị đơn là một tổ chức có mục đích ngăn chặn những hành xử tàn ác đối với thú vật. Thoạt nghe qua thì mọi người đều cho rằng đây là một tổ chức từ thiện. Nhưng tòa phán là không vì mục đích của RSPCA là bảo vệ thú vật chớ không phải con người cho dù mục đích này có thể giúp nâng cao giá trị đạo đức của loài người nói chung. Điều kiện tất yếu là yểm trợ một nhóm người nào đó liên quan tới nghèo túng hoặc bệnh tật.

Nói chung, phán quyết của tòa cho tới thời điểm này đều cho thấy đa số là Sở Thuế thắng vì tòa định nghĩa tổ chức "từ thiện" một cách khắt khe. Muốn hưởng quy chế từ thiện thì các tổ chức không chỉ phải có mục đích chính là làm từ thiện mà còn phải trực tiếp thi hành các công tác hoặc cung cấp dịch vụ từ thiện yểm trợ người nghèo hoặc bệnh tật hoặc yểm trợ các cơ sở tôn giáo, giáo dục hoặc cho các công tác khác co lợi cho công chúng.

Nhưng tới năm 2008 thì có vụ kiện FC of T v Word Investment. Wycliffe BiBle Translators (Wycliffe) là một tổ chức truyền giáo. Họ muốn rao giảng Thiên Chúa Giáo ở khắp mọi nơi. Bị đơn là một nhóm thành viên của Wycliffe đứng ra thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn vào năm 1986. Công ty này (Word Investment)  nhận tiền cho vay từ công chúng không lãi hoặc có lãi rất thấp, rồi dùng số tiền đó đầu tư để kiếm lời.  Giữa năm 1996-2002, bị đơn cũng điều hành một dịch vụ nhà hoàng. Tiền lời kiếm được từ dịch vụ này và từ số tiền đầu tư được dùng để dịch Kinh Thánh và cung cấp miễn phí cho Wycliffe. Sở Thuế lập luận rằng tuy Bản Nội Quy của bị đơn cho biết mục đích là quảng bá Thiên Chúa Giáo nhưng bị đơn thật ra chỉ lo làm ăn kiếm lời rồi sau đó mới chuyển tiền lời cho cơ quan truyền giáo. Vì vậy, họ không được hưởng quy chế từ thiện. Nhưng Tối Cao Pháp Viện Úc đã không chấp nhận lập luận này của Sở Thuế vì theo lập luận này, nếu bị đơn chỉ lập một công ty và chia ra hai đơn vị khác nhau là một lo công tác truyền đạo còn đơn vị kia thì chỉ làm ăn kiếm tiền thì được hưởng quy chế từ thiện. Còn tách ra hai công ty riêng biệt thì lại không được. Tòa không chấp nhận luật pháp dựa trên hình thức như vậy. Vì vậy, tòa phán bị đơn vẫn giữ tính cách từ thiện mặc dù không có trực tiếp thì hành các công tác từ thiện.

Sau đó không lâu thì Tối Cao Pháp Viện Úc lại ban hành phán quyết nới rộng phạm trù của một tổ chức từ thiện. Trong vụ kiện Aid/Watch v The Commissioner of Taxation [2010], bị đơn là một tổ chức chuyên nghiên cứu, giám sát và vận động chính quyền Úc về chính sách viện trợ nước ngoài. Tòa Án Liên Bang phán rằng một trong những mục đích chính của bị đơn là vận động chính trị với chính quyền nhằm ảnh hưởng đến chính sách viện trợ và vận động chính trị thì không thể nào là từ thiện. Vì vậy, bị đơn kháng án lên Tối Cao Pháp Viện Úc. Tối Cao Pháp Viện Úc (theo đa số thẩm phán) phán rằng việc cổ xúy cho công chúng tích cực thảo luận chính sách viện trợ là một mục đích từ thiện. Lý do là trên căn bản, Hiến Pháp Úc dựa vào sự trao đổi thông tin và thảo luận giữa chính quyền và cử tri. Mọi nỗ lực khuyến khích quần chúng tham gia vào các cuộc tranh luận về các đề tài quan trọng liên quan tới vận mệnh quốc gia có thể coi là có tính cách từ thiện.

Có thể nói đây là một phán quyết bất ngờ. Có lẽ là trong tương lai sẽ có thêm nhiều vụ kiện để làm rõ hơn tiêu chuẩn "khuyến khích công chúng tích cực tham gia thảo luận chính sách quốc gia" mà Tối Cao Pháp Viện đã đề ra.

Trở lại với vụ kiện The Commissioner of Taxation v The Hunger Project (2014) thì bị đơn là một công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập với mục đích là yểm trợ việc cứu đói, giảm nghèo và giúp đỡ những người bần cùng, túng quẫn tại các nước đang phát triển. Bị đơn là 1 trong 9 chi nhánh của The Hunger Project - một tổ chức được thành lập vào năm 1977 ở Hoa Kỳ và có trụ sở tại Nữu Ước. 9 chi nhánh được thành lập ở các quốc gia giàu có. Các chi nhánh tại mỗi quốc gia cũng như tại Úc gây quỹ và đưa tiền về trụ sở ở Mỹ. Tại đây, văn phòng chính sẽ quyết định chi tiền thế nào để đạt mục đích mà họ theo đuổi. Riêng bị đơn có 4 nhân viên làm việc toàn thời. Đa phần công tác của họ là gây quỹ. Trong mấy năm gần đây thì họ gây quỹ được từ 1.6 triệu đến 2.5 triệu Úc kim mỗi năm tùy theo tình hình kinh tế. Sau khi trừ đi chi phí thì họ chuyển số tiền còn lại qua văn phòng chính bên Mỹ.

Sở Thuế cãi rằng để được coi như một tổ chức từ thiện và hưởng quy chế miễn thuế thì tổ chức đó ngoải phải có mục đích từ thiện thì cũng phải trực tiếp thi hành những công tác hoặc sinh hoạt từ thiện. Đằng này bị đơn không thi hành công tác nào từ thiện nào ngoài việc gây quỹ rồi giao tiền lại cho văn phòng chính tại Nữu Ước. Bị đơn chỉ gián tiếp đóng góp tài chánh cho một tổ chức từ thiện. Vì vậy, chính bị đơn không hội đủ điều kiện của một tồ chức từ thiện mà luật pháp công nhận.

Nhưng Tòa Kháng Cáo Liên Bang đã không chấp nhận lập luận này của Sở Thuế mà tiếp tục diễn giải một cách rộng rãi về quy chế từ thiện theo xu hướng của Tối Cao Pháp Viện Úc. Có nghĩa là bị đơn không cần phải trực tiếp thi hành các công tác từ thiện yểm trợ người nghèo đói mà chỉ cần gián tiếp gây quỹ yểm trợ tài chánh cho tổ chức khác thi hành công tác từ thiện. Nói một cách khác, cán cân công lý ngày càng nghiêng về các tổ chức thiện nguyện trong cuộc chiến giằng co giữa họ và Sở Thuế.

Hơn nữa, Đạo Luật Từ Thiện Úc (Charities Act 2013) vừa có hiệu từ ngày 1 tháng Giêng năm 2014 lại mở rộng phạm trù từ thiện bào gồm mục đích cổ xúy hoặc bảo vệ nhân quyền, môi trường và ngăn chặn những hành xử tàn ác đối với thú vật.

Nói vậy không có nghĩa là bất cứ tổ chức thiện nguyện nào cũng được hưởng quy chế từ thiện vì Sở Thuế có đủ khả năng tài chánh và sẽ tìm mọi cách bảo vệ tài khoản ngân khố. Ngay khi hội đủ điều kiện từ thiện thì tổ chức chưa hẳn đã miễn được hết tất cả các loại thuế liên bang và tiểu bang vì còn tùy theo từng đạo luật của chính quyền liên bang và mỗi tiểu bang. Hơn nữa, một tổ chức từ thiện không mặc nhiên có diện DGR vì còn tùy thuộc vào nội quy và một số điều kiện khác.

Nhưng ít ra thì cũng có thể nói rằng những chiến sĩ tranh đấu cho các mục đích từ thiện và nhân quyền đang có tòa án và Tối Cao Pháp Viện Úc đồng hành, chia sẻ qua các phán quyết nới rộng định nghĩa của một tổ chức từ thiện mà giá trị của nó gồm có nhân quyền phần nào cho thấy tầm mức của xã hội và con người trong xã hội đó.

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng