Nguyên tắc estoppel và Công ước Phạm Văn Đồng

 


Credit: vi.tintuc360.world

Ls Nguyễn Văn Thân

Trong tháng 5 năm 2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam tạo lên một làn sóng phẫn nộ của mọi người Việt nam từ khắp trong và ngoài nước. Lần đầu tiên sau một thời gian dài dưới mối quan hệ hữu nghị “viển vông” với phương châm “bốn tốt và mười sáu chữ vàng”, nhà cầm quyền CSVN trở mặt tố cáo Trung Quốc đe dọa hòa bình trước công luận quốc tế. Mặt khác, Việt nam cũng đã lên tiếng chính thức bác bỏ hiệu lực Công Hàm Phạm Văn Đồng ký gửi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ngày 14 tháng 9 năm 1958 với hai lý do chính là Công Hàm này chỉ ghi nhận chủ quyền 12 hải lý từ các hòn đảo của Trung Quốc mà không đề cập tới Hoàng Sa và Trường Sa và hai quần đảo này lúc đó thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tên của miền Bắc VN thời bấy giờ) không thể ban bố chủ quyền lãnh thổ thuộc về quốc gia khác.

Phía Trung Quốc cũng đã phản bác lại các lập luận này. Thứ nhất, Lời Tuyên Bố Chủ quyền 12 hải lý của Chu Ân Lai ngày 4/9/1958 có ghi rõ là áp dụng cho tất cả lãnh thổ của Trung Quốc bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa. Công Hàm Phạm Văn Đồng đáp trả lại bằng cách “ghi nhận và tán thành” cũng như sẽ tuân thủ triệt để. Công Hàm không đưa ra quan điểm bất đồng hoặc ý kiến bảo lưu nào về Hoàng Sa và Trường Sa. Quan trọng hơn, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là hậu thân của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phải bị trói buộc và không thể nào đi ngược lại quan điểm “ghi nhận và tán thành” của Công Hàm Phạm Văn Đồng với Lời Tuyên Bố của Trung Quốc dưới nguyên tắc estoppel. Vậy nguyên tắc estoppel là gì trong hệ thống luật pháp quốc tế?

Estoppel là một nguyên tắc pháp lý thường được áp dụng dưới hai hình thức. Thứ nhất là trong việc sử dụng và trình bày bằng chứng trước tòa (rules of evidence). Ví dụ như trong trường hợp một người phụ nữ bị truy tố là lãnh tiền trợ cấp gian lận đã khai trước tòa là không có quan hệ vợ chồng với một người đàn ông nào đó thì sau đó không được quyền đổi ngược lời khai xin chia tài sản với người đàn ông đó dưới Đạo luật Gia đình. Hình thức thứ hai thì thông dụng hơn và thường được áp dụng trong các vụ kiện tranh chấp hợp đồng hoặc chủ quyền tài sản gồm có bất động sản hay còn được gọi là “chủ quyền trói buộc” (proprietary estoppel). Thuyết estoppel dưới dạng này đòi hỏi đương sự chứng minh được 4 yếu tố căn bản: (1) đối phương đã có lời hứa hoặc xác nhận nào đó (representation); (2) làm cho đương sự dựa vào lời hứa đó (reliance); (3) đương sự đã bị tổn thất vì dựa vào lời hứa đó (detriment); và (4) sẽ quá bất công nếu đối phương rút lại lời hứa (unconscionability).

Để tìm hiểm thêm nguyên tắc estoppel được áp dụng thế nào trong thực tế thì chúng ta có thể xem xét vụ kiện gần đây trong Tòa Thượng Thẩm NSW. Trong vụ Hardie v Milling, Tòa Kháng Cáo Thượng Thẩm NSW đã ban hành phán quyết vào ngày 26/5/2014 vừa qua. Đương đơn gồm có cặp vợ chồng David và Tracey Hardie. Bị đơn chính là Ken Milling bố ruột của Tracey. Ken Milling cũng có hai người con trai là James và Duncan mà ông đề cử làm người thi hành di chúc và cũng là bị đơn trong vụ kiện này.

Ken và gia đình sống ở Dhu-Robin. Ken là một nông gia thành công. Ông có 3 nông trại rộng lớn ở trung phần miền Tây tiểu bang NSW gồm có Dhu-Robin khoảng 4000 mẫu (acres), Weeraman ở cạnh bên khoảng 750 mẫu và Kensington khoảng 2500 mẫu.

David và Tracey cưới nhau vào năm 1992 và có 3 đứa con sinh năm 1993, 1996 và 1998. Vào năm 1994 sau khi Tracy sinh đứa con đầu lòng thì Ken kêu con gái và con rễ dọn vào ở trong căn nhà nằm trong Weeraman. Diện tích chung quanh căn nhà chiếm khoảng 10 mẫu. Mục đích là cho con gái có một nơi nương tựa cũng như các cháu có thể ở gần ông bà ngoại. Trong suốt thời gian này thì ken vẫn tiếp tục trả tiền council rates và thuế đất và cho gia đình David và Tracy ở miễn phí, không tính tiền nhà. Nhưng kể từ đó, David và Tracey với sự đồng ý của Ken đã bỏ tiền và công sức xây cất thêm nhiều thứ chung quanh căn nhà gồm có một khu vườn rộng lớn, một ngôi nhà mới, một thùng chứa nước mưa, một chuồng gia súc, hàng rào gia súc, đào giếng, hồ bơi, nhà kho, hệ thống dẫn nước, sân chơi vũ cầu, cricket và những thứ khác dành cho phương tiện cư ngụ. Chuyên viên định giá các công trình này lên tới $135,000 so với nông trại Weeraman có giá trị khoảng $1,350,000. Cũng theo chuyên viên định giá thì tiền mướn có thể thu được cho căn nhà là $60 một tuần trong năm 1992 và $100 trong năm 2012. Nhưng với những xây cất thêm mà David và Tracey bỏ tiền và công ra thực hiện thì tiền mướn có thể tăng lên tới $200 một tuần.

Nguyên đơn khai rằng qua những lần trò chuyện với bị đơn thì họ hiểu là họ sẽ được quyền tiếp tục cư ngụ trong căn nhà trong suốt cuộc đời của bị đơn và sau đó Tracey sẽ được thừa hưởng căn nhà cùng nông trại Weeraman sau khi Ken qua đời. Vì dựa vào lời hứa này mà họ đã bỏ hết tâm huyết vào căn nhà và nông trại.

Về phía bị đơn thì Ken xác nhận là ông không có ý định đuổi gia đình con gái ra khỏi căn nhà. Tuy nhiên, ông không bao giờ hứa là sẽ sang tên hoặc cho con gái thừa hưởng căn nhà huống hồ chi là một nông trại Weeraman rộng lớn. Bằng chứng là ông vẫn tiếp tục sử dụng nông trại trong việc kinh doanh. Thỉnh thoảng, ông cũng có thuê David làm mướn cho ông trong các công tác trồng trọt trên nông trại này. David là một nhà thầu nông nghiệp, nhận việc và tính tiền song phẳng. Đôi lúc, David ngỏ lời xin phép được sử dụng nông trại để làm ăn riêng thì đều bị ông Ken từ chối.

Tới năm 2010 thì chiến tranh bùng nổ trong gia đình. Ken mướn David gieo hạt giống trên 3 bãi đất trong nông trại. David tự ý gieo thêm 2 bãi mà không xin phép. Thế là Ken liền nổi trận tam bành và sửa đổi di chúc hủy bỏ quyền thừa hưởng của Tracey và 3 đứa cháu ngoại của mình. Trước đó thì trong tờ di chúc ký ngày 24/8/2009, Ken để nông trại Weeraman lại cho Tracey. Tới ngày 7/6/2010 thì Ken sửa lại và để lại cho con trai là Duncan. Kể từ đó thì mọi quan hệ giữa hai gia đình Milling và Hardie gồm có mấy đứa cháu ngoại hoàn toàn bị cắt đứt.

David và Tracey tiến hành vụ kiện tại Tòa Thượng Thẩm từ năm 2011. Tới ngày 10/42013 thì Thẩm phán Lindsay ra phán quyết. Lindsay phán rằng bị đơn đã hứa cho nguyên đơn được quyền sử dụng căn nhà và thừa hưởng chủ quyền sau khi bị đơn qua đời. Dựa vào lời hứa này, nguyên đơn đã bỏ tiền và công sức vào các công trình xây cất. Nếu bị đơn rút lại lời hứa thì nguyên đơn sẽ bị tổn hại về mặt tài chánh. Nguyên đơn đã mất cơ hội đầu tư vào một bất động sản khác. Công lý bắt buộc bị đơn không được rút lời hứa. Vì vậy, Lindsay ra phán quyết là nguyên đơn được quyền tiếp tục ở trong căn nhà và cả căn nhà lẫn nông trại Weeraman sẽ thuộc về Tracey sau khi bị đơn qua đời, y như ý nguyện của Kem trước khi sửa di chúc.

Nhưng kết quả này đã bị đảo ngược sau khi bị đơn kháng cáo. Vào ngày 26/5/2014 vừa qua, cả 3 vị thẩm phán của Tòa Kháng Cáo Thượng thẩm NSW đều phán rằng quyết định của Lindsay là không đúng đắn. Dựa trên các bằng chứng trưng dẫn trước tòa thì bị đơn chỉ hứa là nguyên đơn được quyền cư ngụ trong căn nhà cho tới khi bị đơn qua đời. Theo nguyên tắc estoppel thì tòa nhìn về quá khứ chớ không tiên đoán tương lai. Trải qua 20 năm cư ngụ thì nguyên đơn cũng đã tận dụng hoặc tận hưởng được hết giá trị của những số tiền và công sức mà họ đầu tư vào căn nhà. Các con của họ giờ cũng đã trưởng thành. Sự việc có thể khác nếu bị đơn đuổi nguyên đơn ngay sau khi nguyên đơn bỏ tiền ra xây cất. Kết quả là Tòa Kháng Cáo chỉ giữ lại phần đầu phán quyết của Lindsay là nguyên đơn được quyền tiếp tục cư ngụ trong căn nhà nhưng hủy phần quan trọng là chủ quyền căn nhà cùng với nông trại Weeraman sẽ thuộc về nguyên đơn sau khi bị đơn mất.

Thật ra, phán quyết của Tòa Kháng Cáo dường như cũng có điều gì không ổn. Bị đơn năm nay đã 78 tuổi không biết còn sống được bao lâu. Vẫn biết là nguyên đơn có thể tận hưởng tiền bạc và công sức mà họ đã bỏ ra trong khoảng thời gian trên 20 năm, nhưng nếu như không có lời hứa nguyên thủy của bị đơn và nguyên đơn như mọi người khác tiến hành mượn tiền ngân hàng mua nhà và bỏ tiền bạc và công sức trị giá tới $135000 trên căn nhà đó thì họ vẫn có thể tiếp tục thụ hưởng giá trị của nó một cách dài hạn. Hơn nữa, hành động của bị đơn được xác nhận bằng văn bản di chúc ghi rõ là chủ quyền căn nhà lẫn nông trại Weeraman sẽ được truyền xuống cho nguyên đơn, như Lindsay sau 4 ngày xét xử đã xác nhận. Cũng nên nói rõ là Tòa Kháng Cáo sẵn sàng ra lệnh chủ quyền căn nhà thuộc về nguyên đơn sau khi bị đơn qua đời. Nhưng ngặt cái là hội đồng thành phố không chấp thuận cho phân lô tách biệt căn nhà ra khỏi nông trại.

Vì Tòa Kháng Cáo chỉ ra phán quyết mới có mấy ngày, không biết là nguyên đơn sẽ kháng cáo lên Tối cao Pháp viện hay không?

Trở lại với Công Hàm Phạm Văn Đồng thì câu hỏi cần được đặt ra là Việt nam có bị trói buộc (estopped) bởi lời xác nhận của Công Hàm này hay không? Có nghĩa là trong một vụ tranh kiện thì Việt Nam có được quyền viện dẫn bằng chứng đi ngược lại những lời "ghi nhận và tánh thành" của ông Phạm Văn Đồng hay không? Điều này còn tùy thuộc vào tính cách pháp lý của nó. Công hàm là một văn kiện đơn phương, không phải là một Hiệp Ước được ký kết giữa hai quốc gia, cũng không phải là một lời khai báo chính thức trong một tòa án hoặc diễn đàn quốc tế. Trên căn bản thì những lời tuyên bố đơn phương không có tính ràng buộc. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt thì người tuyên bố đơn phương vẫn có quyền rút lại.

Muốn sử dụng nguyên tắc estoppel dưới hình thức thứ hai thì Trung Quốc phải chứng minh được 4 yếu tố căn bản nêu trên. Thứ nhất, Việt nam đã có lời hứa hoặc xác nhận nào đó. Việc này tương đối rõ ràng. Công Hàm Phạm Văn Đồng ghi rõ là Việt nam Dân chủ Cộng hòa “ghi nhận và tán thành” Lời Tuyên Bố chủ quyền của ông Chu Ân Lai. Ngoài ra, Công Hàm Phạm Văn Đồng đã được nhiều lần lập lại trên các tờ báo của Việt nam gồm có Báo Nhân dân. Hơn nữa, khi Trung Quốc dùng vũ lực tấn công Hải quân Việt nam Cộng hòa và chiếm những phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19/1/1974 thì Việt nam Dân chủ Cộng hòa hoàn toàn im lặng và không có bày tỏ thái độ gì phản đối.

Yếu tố thứ hai cần phải chứng minh là Trung Quốc đã dựa vào lời xác nhận của Công Hàm Phạm Văn Đồng để bỏ tiền bạc và công sức vào các công trình xây cất trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Khó mà tin được một cường quốc như Trung Quốc lại dựa vào một lá thư của ông Phạm Văn Đồng mới bỏ tiền bạc vào các công trình xây cất. Có điều là không biết ngoài Công Hàm Phạm Văn Đồng thì Việt nam còn có ký kết văn bản hoặc thỏa thuận nào khác công nhận chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc hay không?

Không có con số chinh xác cho thấy Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa bao nhiêu tỷ Mỹ kim trong cuộc chiến Việt nam và trong số này thì có bao nhiêu là dựa vào lời xác nhận của Công Hàm Phạm Văn Đồng. Bây giờ nếu Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam rút lại lời xác nhận đó thì nhưng số tiền viện trợ mà Trung Quốc đã chi thì phải tính sao?

Không biết có phải vì những khó khăn này mà Việt Nam vẫn còn lưỡng lự không dám noi gương Phi Luật Tân mà kiện Trung Quốc ra trước Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế hay không? Có nhiều người thúc giục Việt nam mau xúc tiến đơn kiện. Có điều là nếu Việt Nam đưa đơn kiện vào lúc này thì Công Hàm Phạm Văn Đồng chắc chắn sẽ được Trung Quốc đưa ra ứng phó. Cơ hội thành công cho Việt Nam vì thế cũng sẽ có phần giảm thiểu. Ngoại trừ Việt nam thay đổi chính thể và Công Hàm Phạm Văn Đồng không có tính ràng buộc đối với chính thể mới.


Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng