Đài Loan đứng đâu trong thế trận ở Biển Đông?
Credit: ila-hq.org
Ls Nguyễn Văn Thân
Vào ngày 23/3/2016, một số
giáo sư của Hiệp Hội Luật Quốc Tế Đài Loan đã đồng ký tên vào một bản đệ trình
gửi đến Tòa Trọng Tài về Luật Biển đang trong giai đoạn chuẩn bị ban hành phán
quyết về vụ kiện "Đường Lưỡi Bò" của Phi Luật Tân. Các vị này gồm có
Gs Charng-Ven Chen của Đại Học National Chengchi & Soochow University, Gs
Chun-I Shen của National Chengchi University, Gs Nigel N.T. Li của Soochow
University, Yann-Huei Song Nghiên Cứu Sinh Viện Âu và Mỹ học (Institute of
European and American Studies, Academia Sinica), Gs Kuan-Hin Wang và Gs Michael
Sheng-Ti Gau của National Taiwan Normal University.
Hiệp Hội Luật Quốc Tế Đài Loan
nguyên thủy có tên là Hiệp Hội Luật Quốc Tế Trung Hoa được thành lập vào ngày
10/8/1958 như là một hội phi vụ lợi độc lập theo luật của Đài Loan. Năm 1961,
Hiệp Hội này gia nhập mạng lưới Hội Luật Quốc Tế (network of International Law
Association (ILA)) và trở thành chi nhánh của ILA tại Đài Loan. Mục đích của Hiệp
Hội là phát hành tài liệu và tổ chức các cuộc hội thảo cho giới hàn lâm về luật
quốc tế. Trong hơn nửa thập kỷ sinh hoạt, Hiệp Hội đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo
quốc tế gồm có các cuộc Hội Thảo Khu Vực Châu Á-Thái Bình Dương của Hội Luật Quốc
Tế vào năm 1995, 2011 và 2013.
Lý do Hiệp Hội nộp bản đệ
trình này là vì trong các phiên xử trước tòa, luật sư của nguyên đơn Phi Luật
Tân lập luận rằng Ba Bình (Itu Aba hoặc Taipei Island theo cách gọi của Đài
Loan) không phải là một hòn đảo mà chỉ là đá theo định nghĩa của Điều 121(3) của
Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Vào ngày 7/7/2015, Gs Philippe
Sands, một trong những luật sư của nguyên đơn trình bày trước tòa rằng "Ba Bình là thực thể lớn nhất trong vòng cung phía Nam đã do Đài
Loan chiếm đóng từ 1946. Diện tích của nó không quá 0.43 cây số vuông. Nó không
có dân số thường trực. Không có nước có thể uống được và không sản xuất nguồn
lương thực nông nghiệp đáng kể". Trong phiên xử kế tiếp vào ngày
30/11/2015, Paul Reichler, luật sư của nguyên đơn trình bày 8 lập luận với tòa
về tình trạng pháp lý của Ba Bình gồm có: Ba Bình không có nước uống, không có
điều kiện trồng trọt để nuôi dưỡng con người, không bao giờ có thổ dân sinh sống
và ngoại trừ quân lính không có thường dân cư ngụ. Binh lính hoàn toàn dựa vào
tiếp tế từ đất liền ở Đài Loan và không có bất cứ sinh hoạt kinh tế nào trên thực
thể này.
Vào ngày 16/12/2015, Tòa đề
nghị với Phi Luật Tân và Trung Quốc cung cấp thêm chi tiết về tình trạng của
các thực thể gồm có thuê các nhà chuyên môn về thủy văn học làm báo cáo, viếng
thăm các thực thể hoặc thu nhận các bản đệ trình từ những người "bạn của
tòa" (amicus curiae submissions). Các bản đệ trình này đến từ những người
không can dự vào vụ kiện nhưng có thể cung cấp chi tiết giúp tòa đi đến phán
quyết một cách đúng đắn. Dĩ nhiên là những người bạn của tòa phải có đủ kiến thức
chuyên môn và tính độc lập chớ không phải là một bộ phận tuyên truyền của nhà
nước hoặc một thế lực nào khác. Ba Bình là một đảo san hộ thuộc cụm Nam Yết của
quần đảo Trường Sa, nằm cách đảo Sơn Ca 12 km về phía tây và cách đảo Nam Yết
khoảng 20 km. Ba Bình là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Đài
Loan và Phi Luật Tân.
Bản đệ trình đưa ra một số lập
luận quả quyết Ba Bình là của Đài Loan và là một hòn đảo thực thụ có thể duy
trì đời sống con người và có nền kinh tế độc lập. Thứ nhất, nó là hòn đảo lớn
nhất tại Trường Sa và là đảo duy nhất có nước ngọt. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, chính
quyền Trung Hoa Dân Quốc gửi tàu chiến ROCS Taiping tiến chiếm đảo này vào năm
1946 và kể từ đó đã chiếm hữu liên tục trong 70 năm qua. Hầu hết các quốc gia
cũng như các học giả luật quốc tế hoặc luật biển đều công nhận Ba Bình là một
hòn đảo.
Dân số trên đảo hiện nay khoảng
200, đa số là lực lượng tuần duyên nhưng cũng có bác sĩ, nha sĩ, y tá, thợ xây
cất và nghiên cứu sinh. Một số trong nhóm này cư ngụ thường trực trên đảo. Những
người này là bằng chứng cho thấy Ba Bình có thể nuôi sống con người. Thứ hai,
trên đảo gồm có nhà cửa và phương tiện cung cấp điện, đường xá, bệnh viện, bưu
điện, hải đăng, nghĩa địa, đường băng dài 1,200m và một ngôi chùa.
Thứ ba, đời sống con người
trên đảo Ba Bình theo bản đệ trình đã được ghi lại từ thời Nhà Tống 960-1279
A.D.) và Nhà Thanh (1644-1912 A.D.). Trên đảo có ngôi mộ viết tên chữ Hoa của
người chết là ‘’Chun-Zhi Guo’’ và hai chữ ‘’Royal Qing’’ chứng minh là người
Trung Quốc đã sinh sống trên đảo từ thời Nhà Thanh. Vào năm 1867, Bộ Thủy Văn của
Anh (Hydrographic Department of Great Britain) ghi nhận là ngư dân Hải Nam đã
có mặt trên đảo Ba Bình để bắt hải sâm. Năm 1919, Okura Unosuke một người Nhật
Bản đã đến Ba Bình để tìm hiểu về khả năng khai thác phân bón (phosphoric
guano) ghi nhận là có ngư dân Trung Quốc cư ngụ. Từ năm 1939-1945, Nhật sử dụng
Ba Bình làm căn cứ tàu ngầm. Khi quân đội Trung Hoa Dân Quốc tiến chiếm Ba Bình
vào năm 1946 thì đã có một số nhà cửa, giếng nước, ngôi chùa, cầu tàu và cả con
chó chăn cừu trên đảo chứng minh có đời sống con người. Kể từ đó, Đài Loan đã
tiến hành khai thác khoáng sản, đánh cá, chăn nuôi và trồng trọt.
Thứ tư, Ba Bình có nguồn nước
ngọt dồi dào. Hiện tại có 4 giếng nước ngọt ước lượng có thể cung cấp 237,000 tấn
nước hàng năm gồm có nước uống hoặc 65 tấn
nước uống hàng ngày đủ cho dân số từ 1000-1500 người. Đất trên đảo thích hợp
cho việc trồng trọt và nuôi sống người dân. Dựa vào các cuộc khảo sát vào ngày
22 và 23 tháng Giêng năm 2016 thì có tổng cộng 147 loài cây và 27 loài thực vật
trên đảo. Có khoảng 50 cây đu đủ và 500 cây dừa hoang dã. Các loài thực vật
khác gồm có dưa, bí, bắp, khoai, gừng và chuối được trồng trên đảo có thể nuôi
dưỡng con người.
Khi các công ty Nhật bắt đầu
hoạt động khai thác mỏ trên đảo, họ thấy có rất nhiều động vật như rùa và chim
biển. Người Nhật cũng mang theo chuột từ trên tàu và sau đó họ nuôi mèo và các
con mèo này trở thành mèo hoang. Chính quyền Đài Loan cũng đã xuất khẩu sang Ba
Bình một ‘’Nông Trại Hạnh Phúc’’ (Happy Farm) chăn nuôi gà và dê để cung cấp
cho người dân trên đảo.
Các công ty Nhật đã bắt đầu
khai thác mỏ phosphate từ 1921. Họ lập đường rầy xe lửa, cất nhà kho, phòng ngủ
tập thể, làm cầu tàu và đào giếng. Dựa trên những yếu tố nêu ra, Hiệp Hội Luật
Quốc Tế Đài Loan lập luận rằng Ba Bình rõ ràng là một hòn đảo có thể nuôi sống
con người và có đời sống kinh tế riêng theo đúng định nghĩa của Điều 121(1) của
UNCLOS.
Tóm lại, mục chính của bản đệ
trình là phản bác lập luật của Phi Luật Tân là tất cả các thực thể ở Trường Sa
trong đó có Ba Bình đều là đá chớ không phải là đào và do đó không được hưởng
quy chế vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Do đó, nếu Tòa chấp nhận lập luận
của Hiệp Hội Luật Quốc Tế Đài Loan Ba Bình là một hòn đảo có đủ quy chế vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa thì sẽ đánh vào trọng điểm đơn kiện của Phi Luật
Tân. Tuy không bao phủ như Đường Lưỡi Bò nhưng Ba Bình với vùng đặc quyền kinh
tế 200 hải lý sẽ là một sức mạnh và chủ quyền lãnh hải đáng kể dựa vào vị trí
trung điểm của nó tại Biển Đông.
Thật ra, bản đệ trình của Hiệp
Hội Luật Quốc Tế Đài Loan nằm trong kế hoạch chiến lược của Tổng Thống Mã Anh Cửu.
Đài Loan không phải là một quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc va do đó không thể
là thành viên của UNCLOS. Vào ngày 28 tháng Giêng, Tổng Thống Mã Anh Cửu đã bay
ra Ba Bình để thị sát và "chúc Tết" lực lượng tuần duyên và cư dân
Đài Loan. Trước đó không lâu, chính quyền của ông đã chi hơn 100 triệu Mỹ kim
nâng cấp các phương tiện trên đảo gồm có xây dựng bến cảng, bệnh viện, hải đăng
và bưu điện trước khi đưa thành viên Hiệp Hội Luật Quốc Tế ra Ba Bình để viết bản
đệ trình. Bản thân ông Cửu từng làm luận án tiến sĩ về luật biển với đề tài
tranh chấp chủ quyền Biển Đông Á giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại Đại Học
Harvard Hoa Kỳ nên ông hiểu rõ tầm quan trọng của cuộc chiến pháp lý tại Biển Đông.
Tuy vấn đề chủ quyền không nằm
trong phạm vi phán quyết của Tòa nhưng Hiệp Hội Luật Quốc Tế Đài Loan đã khéo
léo lồng vào bản đệ trình một số luận cứ chủ quyền của Trung Hoa Dân Quốc gồm
có sự hiện diện của ngư dân Trung Quốc trên đảo từ thời Nhà Thanh. Tuy nhiên, bằng
chứng chủ quyền dưới luật quốc tế đòi hỏi cả hai yếu tố ý chí và hành động xác
quyết chủ quyền. Việc một số ngư dân Hải Nam trú ẩn trên đảo không đồng nghĩa với
hành động xác quyết chủ quyền của một quốc gia.
Cho tới nay vẫn chưa thấy Việt
Nam có phản ứng gì đáp lại bản đệ trình của Hiệp Hội Luật Quốc Tế Đài Loan với
một số luận cứ rõ ràng bất lợi cho yêu sách chủ quyền của Việt Nam tại Ba Bình
và Trường Sa. Với thể chế độc đảng toàn trị hiện nay, Việt Nam không thể nào có
được một tổ chức tương đương với Hiệp Hội Luật Quốc Tế của Đài Loan với những
thành viên có khả năng, kiến thức và trình độ có đẳng cấp quốc tế và độc lập với
nhà nước để tòa án và cơ quan tài phán quốc tế có thể tin cậy được. Ngay cả các
Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội hoặc Hồ Chí Minh đều có bàn tay lông lá của Đảng
nhúng vào. Hệ thống giáo dục theo kiểu cho "ra lò mỗi ngày một tiến sĩ" dẫn đến tình trạng gian dối và trí
trá và hiện tượng "Tiến sĩ dởm vào
hùa nhau gây thảm họa cho dân tộc" theo lời của Ts Nguyễn Văn Khải.
Trong tháng 4, báo chí đăng
tin là có tới cử tri 15 tỉnh thành đề nghị sớm kiện Trung Quốc về Biển Đông.
Vào đúng vào ngày 30/4/2016, có hơn 50 nhân sĩ trí thức ký tên trong thư ngỏ
yêu cầu Việt Nam chính thức khởi kiện Trung Quốc. Chắc chắn là Việt Nam phải kiện
Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa vì không có giải pháp
quân sự, kinh tế, chính trị hoặc ngoại giao nào khác. Nhưng câu hỏi là Việt Nam
có luật sư thiện chiến để đánh trận pháp lý này không? Cho dù bỏ tiền ra mướn
luật sư ngoại quốc nhưng họ cũng cần có một đội ngũ luật sư trong nước có đẳng
cấp quốc tế thấu hiểu sâu sắc về mặt lịch sử và văn hóa đứng sau lưng yểm trợ.
Nếu luật sư Trung Quốc và Đài Loan hợp tác với nhau chống trả thì Việt Nam có cơ
hội thắng kiện không?
Comments
Post a Comment